Việc thờ phụng tổ nghề vốn là truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng trân trọng, biết ơn đối với các bậc hiền nhân đã có công truyền bá một nghề cho hậu thế. Đây còn là sự tôn vinh, khẳng định thương hiệu của nghề. Do vậy, hành trình tìm Tổ sư nghề xây dựng-một nghề luôn làm đẹp cho xã hội ở mọi thời đại để ghi công, tưởng nhớ cũng là đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của những người trong ngành Xây dựng. Tuy nhiên, việc làm này quả không phải là dễ dàng. Bởi vì, hiện nay có nhiều quan điểm và tranh cãi cho rằng, Lỗ Ban là ông Tổ nghề xây dựng, đồng thời cũng là Tổ nghề mộc. Có người lại bảo “Nữ Oa đội đá vá trời” mới chính là vị Tổ của nghề xây dựng… Vậy, ai là Tổ sư nghề xây dựng?
1. Câu chuyện thần thoại về “Nữ Oa đội đá vá trời” có lẽ là chuyện sớm nhất liên quan đến nghề xây dựng. Ngày ấy Nữ thần đã mê mẩn ngắm nhìn mặt đất luôn rộn tiếng chim ca và thơm ngát hương hoa. Nữ thần đã say đắm đến mức không muốn trở về trời. Nhưng sự phồn thịnh ấy không kéo dài được lâu khi một trận bão lớn đã ập đến, gió thổi, mây giăng đầy trời. Rồi tiếng sấm vang động, ánh chớp sáng lòe đánh xuống mặt đất làm cho rừng cây bốc cháy. Chim thú chạy loạn xạ trong tiếng khóc than của muôn dân. Một phần bầu trời sập xuống, tạo thành cái lỗ mà nước từ đó tuôn chảy ào ào làm cho mặt đất ngập tràn. Thấy dân chúng sắp bị chết đuối, bà Nữ Oa liền đội một hòn đá to bay đến bịt lỗ hổng, nhưng dòng nước quá mạnh, nên bà cùng tảng đá bị xô trở lại. Tiếp tục bê hòn đá khác to hơn phóng lên, nhưng dòng nước vẫn xô bà và tảng đá khỏi lỗ hổng ấy. Bà vẫn không thất vọng, đi nhặt rất nhiều đá sỏi từ các sông,
hồ chất thành một hòn núi ngũ sắc lấp lánh. Sau đó bà cắt những cọng lau trộn lẫn với đá sỏi để nung trong chín ngày đêm, rồi bưng những hòn đá cháy đỏ ấy suốt bảy ngày, bảy đêm mới vá được lỗ hổng. Muôn dân được cứu thoát, cả đất trời lại tưng bừng như ngày hội. Loài người từ đấy sống một thời vàng son, hòa thuận, đàn ông cấy cày, đàn bà dệt vải, thóc lúa và gia súc đầy nhà. Người dân đã mang thóc, gạo cày cấy được đến cám ơn bà Nữ Oa và lũ lượt đi theo chiếc xe mây do một con rồng kéo để tiễn đưa vị nữ thần trở về thiên đình.
Chi tiết hay nhất mà người ta dựa vào đó để khẳng định Tổ nghề xây chính là bà Nữ Oa với việc chế ra chất kết dính vật liệu thật ngoạn mục là bà đã dạy dân biết lấy đá nung vôi làm vật liệu xây dựng.
2. Trong thần thoại Hy Lạp có nữ thần Atêna-con của Dớt-vị thần tối cao nhất của thế giới thần tiên trên đỉnh Olanhpơ. Atêna không phải do mẹ sinh ra mà do bố sinh ra từ cái đầu. Với một nhát búa nặng hàng ngàn cân của thần thợ rèn giáng vào đầu thần Dớt, làm cái sọ nứt toác và từ vết nứt đó, Atêna nhảy ra trở thành vị nữ thần Trí tuệ. Atêna đã sáng tạo, dạy cho người trần thế đoản mệnh này nhiều nghề để sống. Đặc biệt khi nàng cai quản vùng đất Attích (miền Trung Hy Lạp) đã đặt ra các thiết chế, luật pháp, phân đô thị thành các tiểu khu để con người dễ dàng quản lý. Aten - một đô thị mang tên nữ thần Atêna và được nữ thần bảo hộ từ xưa, nay trở thành Thủ đô của Hy Lạp. Câu chuyện thần thoại này nói lên từ xa xưa con người đã biết coi trọng việc quy hoạch đô thị và coi nó là một nhiệm vụ thiêng liêng được tạo ra từ thần thánh. Quy hoạch đô thị cho đến nay vẫn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
của ngành xây dựng. Atêna có phải là sư tổ của ngành nghề xây dựng không hiện vẫn còn đang được tranh cãi.
3. Truyền thuyết về Lỗ Ban đã từng được những người làm nghề mộc, ngõa (nề) coi là chuyện về ông Tổ nghề mình. Lỗ Ban sống vào thời cuối đời Xuân Thu tên thật là Công Thâu Ban - người nước Lỗ (Trung Quốc) nên được gọi là “Lỗ Ban”. Ông có tuyệt kỹ vô cùng cao siêu được tôn là người thợ “Đệ nhất thiên hạ”. Lỗ Ban phát minh và chế tạo rất nhiều công cụ như: Xẻng, cuốc, mai, thuổng, thước gấp, đặc biệt là thước Lỗ Ban cho đến ngày nay vẫn được dùng khá phổ biến trong xây dựng nhà cửa, đóng bàn ghế... Truyền thuyết kể rằng, ông bắc một chiếc cầu qua sông rất vững chắc mà Trương Quả Lão cưỡi lừa mang theo Thái Dương, Mặt Trăng và một vị tiên tên là Sài Vinh với cỗ xe chở “Ngũ nhạc danh sơn” (năm quả núi nổi danh) cùng đi trên cầu mà vẫn không sụp đổ. Lỗ Ban đã để lại cho những người thợ mộc, nề, xây dựng nhiều bí quyết về thiết kế nhà cửa, vật dụng mà một trong những vật dụng trong phép đo đạc ai cũng
biết, ai cũng từng áp dụng là thước Lỗ Ban. Do vậy những người thợ này khi có việc hệ trọng thường phải cúng tế, xin phép Tổ sư Lỗ Ban. Tại Hồng Kông, tất cả công nhân ngành xây dựng được nghỉ ngày 16/6 âm lịch gọi là tết Lỗ Ban. Buổi sáng họ đến đền thờ Lỗ Ban cúng tế, buổi tối mở tiệc liên hoan tại đó để tưởng nhớ vị Tổ sư của mình.
Có thể còn nhiều truyền thuyết, nhân vật khác liên quan đến nghề xây dựng. Cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.